Những khúc tâm tình của Mẹ (Câu chuyện thứ hai)

NHỮNG KHÚC TÂM TÌNH CỦA MẸ  (Câu chuyện thứ hai)

Nhân Ngày Vu Lan cùng nhau đi qua cầu hiểu để đến bến bờ yêu thương!

Đây là tâm sự của những người mẹ ở nước ngoài được một phóng viên ghi lại. Xin được chia sẻ cùng bạn đọc.

Tôi đến thăm bà Sáu hằng tuần như thông lệ, bà Sáu ngồi trên xe lăn, nhìn ra ngoài khung cửa sổ: Một cơn gió thổi mạnh khiến những chiếc lá vàng vội vã lìa cành. Tôi ngạc nhiên khi nghe bà Sáu nói :

 – Ước gì tôi được “ra đi” nhẹ nhàng như những chiếc lá kia!

Đúng là “Có những niềm riêng làm sao ai biết?”. Trước đây nhiều lần đến thăm, tôi thấy bà Sáu cũng vui vẻ chuyện trò và con gái bà lúc nào cũng ân cần lịch sự nên tôi cho bà Sáu là người may mắn trong tuổi già! Tôi đang định ngưng chương trình thăm viếng “người già neo đơn” đối với bà Sáu vì bà đâu phải là đối tượng “cô đơn, buồn khổ” cần có người thăm hỏi, chuyện trò, an ủi ! Bởi vây trong cuộc đời có rất nhiều điều: “Ngó vậy mà không phải vậy!”. Hôm nay con gái bà đi vắng, bà mới có dịp bộc lộ tâm tình sâu kín với hai hàng giọt lệ ứa ra từ đôi mắt già nua nhăn nheo.

Mỗi đêm trước khi đi ngủ má đều niệm Phật cầu khấn: “Cho con ngủ đêm nay và ngày mai không thức dậy nữa!”. Má biết bây giờ má đã trên 80 tuổi và là người vô dụng, không phải như ngày xưa má buôn bán tháo vát giỏi giang, tạo dựng sự nghiệp, nuôi 10 đứa con nên người thành đạt. Má bây giờ già yếu bệnh tật, phải nhờ tới sự chăm sóc giúp đỡ của con! Má luôn cố gắng tự lo cho mình, khi nào cần lắm, má mới nhờ tới con, vì mỗi lần như vậy con lại có dịp để mắng nhiếc má khi nhắc lại chuyện xưa: Lúc con còn  trẻ hay bị má la rầy vì thấy con cứ đua đòi theo bạn bè lo chơi bời đàn đúm quên chuyện học hành. Má đau lòng khi cứ nghe con đay nghiến nhắc lại chuyện cũ hoài. Má phải xin lỗi con, làm ơn bỏ qua cho má, nếu má có tội thì để Trời Phật sẽ trừng phạt má sau này. Còn bây giờ má không biết sống được bao lâu nữa, xin con cho má 2 chữ bình an vào những ngày cuối đời! Nhưng con không đồng ý vì cho rằng:
“Coi má già vậy chứ cũng còn khỏe, còn lâu mới chết!”
Ôi, lời con nói như những lát dao rạch nát trái tim má, hình như con quên đã mất lời Phật dạy: “Bất hiếu là tội lỗi lớn nhất đời người!” nên má cứ cầu mong chết sớm ngày nào khỏe ngày đó! Ai mong sống thọ chứ má thấy sống bây giờ là cái nghiệp phải trả. Không biết bao giờ nghiệp trả xong ?”

Chiếc radio từ cuối phòng đang vang lên lời hát: “Chẳng tình thương nào to lớn hơn cho bằng tình yêu thương con đã trao cho mẹ” như một sự mỉa mai cho hoàn cảnh thực tế phủ phàng của bà Sáu. Tuy bà Sáu có tiền già và con gái chăm sóc bà Sáu có hưởng lương của chính phủ, nhưng bà rất sợ không dám nhờ con giúp đỡ nhiều vì sợ bị rầy la thì càng đau lòng và “ tủi thân” nhiều hơn!

bam oi

Trong các buổi hội thảo nói về tình Mẹ, đa số đều bộc lộ tình cảm sâu xa, xúc động khi nói về mẹ, đôi khi có cả sụt sùi rơi lệ, nhưng thực tế thì rất khác. Tôi có dịp đi thăm và thấy nhiều hoàn cảnh cha mẹ bị bỏ rơi thật đáng tội nghiệp!. Có thể họ không bị bạo hành về thể xác, nhưng bị bạo hành về tinh thần thì khá nhiều với những hình thức khác nhau!

Một bà cụ ở nhà dưỡng lão tỉ tê: Con tôi bảo lãnh tôi qua để trông các cháu, được một thời gian,  thì một hôm đang trông cháu, bỗng nhiên tôi bị chóng mặt xây xẩm cả người, không trông cháu được nên cháu bị té u đầu! Chiều đi làm về, nó xót con nên mắng tôi một chập xối xã! Sau đó nó tiến hành làm thủ tục để đưa tôi vào nhà dưỡng lảo, dù tôi đã năn nỉ và xin lổi hết lời, bởi dưới mắt nó tôi không còn “được việc” nữa! Bây giờ trong nhà dưỡng lảo, tôi sống trong chuỗi những ngày dài cô đơn lạnh lẽo, không có người thân chung quanh:

“Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Sáng khuya trưa tối nhìn quanh một mình…”

Tôi bán nhà bên Việt Nam sang đây đưa hết tiền cho nó để nó mua căn nhà, rồi nó cho tôi ở một phòng. Bây giờ tôi vào đây, căn phòng đó nó đem cho chia sẻ! Tôi trở thành kẻ không nhà, sống nhờ vào “trợ cấp” do lòng hảo tâm của chính phủ Mỹ, nếu không chắc tôi phải ra đường ăn xin!

Câu chuyện kể của bà cụ khiến tôi chạnh lòng khi nhớ tới một đoạn trong bài viết trên Internet :

“Cha mẹ yêu con thì vô hạn, con yêu cha mẹ lại có hạn. Con ốm đau cha mẹ buồn lo, cha mẹ ốm đau con nhìn một chút, rồi hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ chút nào… Nhà cha mẹ là nhà của con, nhưng nhà con không phải là nhà của cha mẹ.”. Hèn gì ca dao xưa cũng đã từng nói:

“Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”.

Nhiều khi không nuôi, chỉ mới tặng quà thôi cũng đã đủ điều để “kể lể” rồi!

Trước tình trạng chữ Hiếu theo luân lý Việt Nam: “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ, kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, đã trở nên lạc hậu và càng ngày càng bị bào mòn theo thời đại văn minh, nên nhiều bậc cha mẹ khi còn khỏe mạnh đã tự lo liệu chuyện hậu sự của mình để khỏi làm phiền con cái sau này. 

Vì như lời một bài hát đã nói rất chí lý:

“Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai đến lúc tôi qua đời…”

Đừng đợi đến ngày nào đó khi cha mẹ “đi xa” rồi mới thấy lòng trăn trỡ, dằn vặt, áy náy, vì chưa làm điều này, định làm điều kia để trả hiếu cho cha mẹ thì muộn rồi! (“Địa ngục chứa đầy những dự định tốt đẹp”!)

Cha mẹ ngày nay, nếu là người hiểu đời coi việc lo cho con cái là nghĩa vụ và niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình!. Hãy tập thói quen nhìn ra những điểm tích cực trong cuộc sống thay vì than trách. Nếu đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi được hoàn cảnh thì hãy tập học bài học Chấp Nhận: “Lạy Chúa xin giúp con thay đổi những điều con có thể thay đổi. Và xin giúp con biết chấp nhận những điều con không thể thay đổi!”, để con luôn được sống bình an trong sự quan phòng yêu thương của Chúa!

Nói như vậy không có nghĩa là không có những tấm gương hiếu thảo của các bạn trẻ đối với cha mẹ ở thời đại này! Tôi đã biết có những bạn trẻ không dám nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình, không lập gia đình vì sợ sau khi lấy chồng, trách nhiệm của gia đình nhỏ sẽ khiến cô không còn thời gian chăm sóc chu đáo cho cha mẹ già! Hay có bạn trẻ (nam) sau khi tốt nghiệp đại học, không đi làm mà dành toàn thời gian để giúp cha mẹ trong việc kinh doanh cho trôi chảy tốt đẹp! Đợi đến khi cha mẹ nghỉ hưu không kinh doanh nữa, anh mới bắt đầu đi tìm việc làm để xây dựng sự nghiệp riêng cho mình dù đã muộn màng!

Mới đây tôi vừa tham dự lễ mở tay của tân linh mục P.H.Trung, trong bài giảng đầu đời của mình cha trẻ, rất trẻ, đã nhớ và cất lại lời ru năm xưa của bà ngoại đã từng ru mình lúc còn thơ :

“ À…à….ơi! Cháu tôi buồn ngủ, buồn nghê. Buồn ăn cơm nếp, cháo kê thịt gà…à..à…ơi…” khiến mọi người trong nhà thờ cảm động vổ tay tán thưởng nhiệt liệt! Cha trẻ nhớ lại ân tình của bà ngoại qua từng nắm xôi ăn sáng, tấm lòng của mẹ qua từng ly sữa ấm pha sẳn cho con mỗi sáng trước khi đi làm thêm, sự quan tâm của bố qua từng lời cầu nguyện với lòng Chúa thương xót mỗi buổi chiều vào lúc 3 giờ!. Bài giảng lễ mở tay của cha trẻ đơn sơ, mộc mạc không có những ý tưởng cao siêu nhưng chân thành, thấm đẫm tình người và đầy sự tinh tế để nhận ra những ân tình của từng người thân trong gia đình qua từng những sự việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày. Bài giảng gây xúc động lòng người vì nó chan chứa tấm lòng hiếu thảo, biết ơn của một người con trong gia đình VN. Rồi từ đó dẫn tới lòng biết ơn Thiên Chúa đã hy sinh mạng sống vì yêu thương con người, và để gần gủi với con người Chúa đã hóa thân làm Mình Máu Thánh hầu ở lại với chúng ta!

Cuối lễ, phần trao quà lưu niệm của tân linh mục cho cha mẹ (những kỷ vật từ lễ chịu chức hôm qua),để ghi nhận công ơn của cha mẹ, trong khi ca đoàn hát bài: “Công ơn cha mẹ”:

“Xin Chúa í a chúc lành, cho đời cha mẹ của con
Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn
Con sinh đến trong đời, nhờ ơn cha, nhờ nghĩa mẹ…”

Hình ảnh vị tân linh mục quỳ xuống giữa nhà thờ để nhận lời chúc phúc từ hai bàn tay của cha mẹ đặt trên hai vai là phần nghi lễ gây xúc động lòng người. Như vậy là những “viên ngọc hiếu thảo” vẫn có quanh ta. Cầu xin Chúa chúc lành cho những viên ngọc quý đó mỗi ngày được tìm thấy nhiều hơn trong Cộng đồng Việt Nam hải ngoại nói chung và Cộng đồng Công Giáo Việt Nam nói riêng, để một mai cha mẹ có già yếu đi vào tuổi hoàng hôn của đời người, vẫn có thể:

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn những bông hoa và những nụ cười” (Trịnh Công Sơn) từ những tấm lòng yêu thương và hiếu thảo của con cháu chung quanh! Như vậy thì thiên đàng ở ngay cõi trần gian này chứ có ở đâu xa!

Vì hạnh phúc của bạn,

Kim Thành – Sứ Giả Tình Yêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *